Chắc hẳn các bạn vẫn nhớ những câu văn được viết trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên bước vào một hành trình hoàn toàn mới – cho dù khi nhớ lại, những ký ức có rơi rớt vài điều nhưng chắc chắn cảm xúc thì vẫn còn vẹn nguyên.

ICOM tin rằng, trong suốt cuộc đời mình, chúng ta cũng sẽ có những điều đầu tiên bồi hồi xúc động và đáng nhớ như thế. Mười lăm năm chào đời, mười lăm năm hình thành và phát triển, hãy cùng thăm lại những điều đầu tiên của ICOM nhé!

Quả thật, trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn này với anh Phạm Việt Dũng - tổng giám đốc công ty ICOM, tôi đã nghĩ về rất nhiều những điều lớn lao, về những hoài bão khổng lồ và vĩ đại, nhưng thực ra, có những điều to lớn lại khởi nguồn từ những điều nhỏ bé.

Công việc đầu tiên trong đời giúp anh kiếm thêm thu nhập là gì?

Công việc đầu tiên giúp tôi kiếm thêm thu nhập là làm Gia sư môn Toán thi đại học cho em trai của một người bạn. Đó là vào năm 1999, lúc tôi 20 tuổi. Đến năm 2000, tôi cùng người bạn của tôi là Ngô Minh Thắng, cùng đi xin thực tập tại một công ty IT nhưng không được nhận, sau đó tôi đã thử sức ở VASC – nơi mà gắn bó với tôi một quãng đường khá dài. Thời đó không có nhiều công ty làm về công nghệ, suy nghĩ trong tôi lúc đó chỉ là: Làm thế nào để có cơ hội được học hỏi, được làm việc, nên dù công việc này không đem lại thu nhập, tôi vẫn rất coi trọng nó và nó đã trở thành tiền đề để tôi định hướng được con đường nghề nghiệp sau này của mình.

Anh có nhớ người sếp đầu tiên của mình không? Anh học được gì từ họ?

Thời thực tập ở VASC, tôi làm đủ mọi thứ, vừa lập trình, vừa sửa máy in, kéo dây mạng, rồi những việc nhỏ như mang đĩa mềm xử lý sự cố Y2K (*), lúc đó làm việc gì tôi cũng cảm thấy rất trân trọng, những việc mình làm lúc ấy tuy nhỏ nhưng giúp mình cảm thấy mình có giá trị.
Đến năm 2002, tôi tốt nghiệp ra trường và được làm nhân viên chính thức ở đây. Đó cũng là lúc tôi có những người sếp đầu tiên.

Thời đó, sếp giao việc thì nhân viên sẽ tự học, tự tìm hiểu, tự làm chứ không được chỉ tận tay, không biết gì thì tìm các loại sách để đọc, để tìm cho ra vấn đề chứ không có các công cụ tìm kiếm như bây giờ…  
Người “sếp” đầu tiên đã dạy tôi sự chủ động, hỏi để giải quyết vấn đề. Nếu hết việc thì đi xin việc tiếp, còn thời gian thì xin thêm việc đề làm. Cảm thấy mình làm được việc gì hoặc muốn học thêm việc nào thì chủ động tìm cách để được làm công việc đó, không bao giờ từ chối cơ hội. Có những khoảng thời gian vài ba năm ngày nào tôi cũng chỉ tập trung cho công việc đến 11h đêm, thậm chí không còn thời gian để kết nối bạn bè. Tôi nghĩ việc chăm chỉ và nỗ lực thời đó đã đem lại rất nhiều cơ hội cho tôi sau này.
Thời gian sau, tôi có cơ hội được tiếp xúc với một người sếp khác là Giám đốc Trung Tâm, tôi quan sát trong các cuộc họp giao ban, anh ấy hướng dẫn các trưởng bộ phận khác cách quản lý, vận hành, những kỹ năng quản lý đầu tiên là tôi học được từ anh ấy. Học thông qua cách những người khác dạy nhau, đó cũng là một phương pháp hiệu quả.  Năm 2003, một năm sau khi ra trường, tôi được sếp tin tưởng giao cho phụ trách phòng hệ thống vận hành báo điện tử Vietnamnet. Đến năm 2006, VASC cổ phần hóa các mảng dịch vụ sang công ty VMG, lúc đó tôi đảm nhận vị trí Giám đốc kỹ thuật.
*Chú thích: Sự cố máy tính năm 2000

 

Vậy điều gì, cơ hội nào khi đó khiến anh quyết định khởi nghiệp?

Năm 2008, sếp tôi gặp tôi và bảo tôi hãy thành lập một công ty riêng đi. Thực sự lúc đó tôi không nghĩ nhiều. Sếp “xúi” tôi thành lập công ty thì tôi nghe lời, cũng đi tìm hiểu thành lập công ty thì phải làm thế nào. Người ta bảo thành lập công ty thì phải có đề án thành lập công ty – Business Plan, nhưng thực sự lúc đấy tôi còn không biết nó là cái gì, tiền vốn cũng không có luôn. Tôi lúc đấy chỉ nghĩ, mình đã đồng ý với sếp sẽ thành lập công ty thì không nên để những khó khăn ấy làm ảnh hưởng, cứ thành lập được công ty đã.

Vậy một công ty ra đời mà không có đề án, không có vốn đã làm thế nào để hoạt động?

Trong giai đoạn này, tôi đã gặp được rất nhiều sự giúp đỡ, đó là cái may mắn của tôi. Khi tôi nghỉ việc, công ty cũ đã ký với tôi một hợp đồng tư vấn cá nhân. Tôi nhận công việc tư vấn đó với mức lương khá cao. Số tiền đó đủ để duy trì công ty của tôi lúc mới khởi nghiệp. Tiếp nữa, một số anh em đồng nghiệp tại công ty cũ đã sẵn sàng đồng hành cùng tôi vào thời điểm đó. Và thứ ba, tôi rất may mắn nhận được sự giúp đỡ của các bạn bè bên ngoài.
Nguyễn Phương Bắc, Dương Kiên Trung, Nguyễn Duy Tuấn, Lê Trần Công - đó là những người đã đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu tiên...

Sản phẩm đầu tiên của công ty ICOM là gì? Làm thế nào để anh có được đối tác đầu tiên?

Hồi đó có một đối tác nước ngoài đề xuất ý tưởng về dịch vụ Call Blocking – Chặn cuộc gọi. Vì ICOM là công ty còn mới, chưa có kinh nghiệm, chưa có nền tảng, làm thế nào để có được dự án này quả thực không dễ dàng. Cuối cùng, tôi đã tìm ra một cách, đó là thuê một bên trung gian – là một chuyên gia người Ấn Độ đã có kinh nghiệm và uy tín để họ đi thuyết phục đối tác, để họ đồng ý đồng hành cùng ICOM cung cấp giải pháp cho nhà mạng, và đó cũng là dịch vụ đầu tiên của ICOM. Thời đó văn phòng công ty đơn sơ lắm, nằm ở tầng 1 trong tòa Liên Minh hợp tác xã Việt Nam, tại 149 Giảng Võ.

Ảnh chụp tại trụ sở đầu tiên của ICOM, 149 Giảng Võ.
Ảnh: chị Nguyễn Ngọc Thùy

 

Khi dịch vụ VAS đang bắt đầu phát triển, nếu chỉ để kiếm tiền, thì có rất nhiều cách, ví dụ như có rất nhiều dịch vụ spam, lừa đảo kiếm được rất nhiều tiền từ người dùng nhưng không mang lại giá trị thực sự, tôi nghĩ rằng đó là những việc không nên làm, có như vậy mới có thể phát triển bền vững.

Quan điểm về quản lý của anh thế nào?

Từ lúc còn là trưởng phòng phụ trách kỹ thuật, tôi đã nghĩ khi đi làm, ai cũng cần phải được làm việc, cần được học hỏi, vậy nên thay vì ôm hết việc vào người, tôi phân công nhiệm vụ rõ ràng cho đồng nghiệp, mình chỉ là người hỗ trợ về chuyên môn khi cần. Đây cũng là tiền đề cho giá trị cốt lõi “Trao quyền” của ICOM sau này.
Sau này, có những đồng nghiệp của tôi đã làm đến quản lý cấp cao, có dịp gặp lại cũng đã kể lại những trải nghiệm ngày ấy, các bạn ấy được làm việc, được học hỏi và được trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm.
Việc của người quản lý là xây dựng quy định, quy trình vận hành tổ chức và làm mô tả công việc. Những tài liệu mô tả công việc này sẽ hỗ trợ back up ngay lập tức khi xảy ra vấn đề liên quan đến nhân sự. Ngoài ra, tôi đặc biệt chú trọng đến kỷ luật, khi có kỷ luật, mọi thứ sẽ đi đúng quỹ đạo của nó và chúng ta sẽ kiểm soát được các rủi ro trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình.

Những ngày đầu tiên thành lập công ty ICOM, anh có kỳ vọng tương lai của công ty sẽ như thế nào không?

Không, lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm thế nào để ICOM tồn tại. Chúng tôi đi khắp nơi để tìm đối tác, kiếm các dự án về cho công ty, tìm mọi cách để công ty không thất bại. Cho đến bây giờ mọi người có thể nhìn thấy ICOM đã đạt một số thành tựu nhất định nhưng tôi vẫn luôn giữ vững tinh thần từ những ngày khởi nghiệp đó, đó là làm thế nào để ICOM “không chết” – vì nhiều khi chỉ một chút sơ sểnh, một vài sự cố thôi, nền móng không tốt thì tòa nhà to đến đâu cũng có thể sập được.
Chúng tôi luôn giữ mình ở trong trạng thái chiến đấu, giữ vững quan điểm, đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, mục tiêu duy nhất vẫn là để ICOM tồn tại. Tôi muốn cảm ơn những người đồng nghiệp đã đi cùng tôi từ những ngày đầu đó: Phan Thúy Hoa, Nguyễn Ngọc Thùy, Phan Lạc Hùng, Dương Minh Hương, Phan Huyền Trang, Trịnh Thị Hồng Vân, Nguyễn Vân Anh, Kiều Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thu Thuỷ..., những đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng công ty như Ngô Minh Thắng, Đỗ Đức Toàn, Nguyễn Kim Anh, Hà Thị Mỹ Hằng, Lương Hoàng Giang, Tạ Thị Huệ, Nguyễn Tiến Dũng, Lại Tiến Học, Quách Phương Thảo, các bạn leader sẽ đồng hành cùng công ty trong tương lai… và các bạn đồng nghiệp khác có thể tôi không thể kể hết tên ở đây, cảm ơn các bạn vì đã đồng hành cùng ICOM.

 

 

Nếu được quay trở về quá khứ và nói với bản thân mình của 15 năm trước một câu, anh sẽ khuyên bản thân mình điều gì?

Vẫn chỉ như vậy thôi, vẫn cứ phải nỗ lực. Tập trung vào mục tiêu của mình, suy nghĩ đơn giản ở đây tức là không để những điều khó khăn có thể cản trở nỗ lực thực hiện mục tiêu của mình, chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất. Cho dù mục tiêu đó to hay nhỏ, khó hay dễ thì vẫn phải nỗ lực, quyết liệt. Nỗ lực đến mức sống chết với nó, không có cách nào khác.

Vậy nếu cho anh đi đến tương lai 15 năm sau, anh sẽ làm gì?

Vẫn sẽ như thế, nỗ lực, cố gắng, như những ngày đầu tiên!

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện, chúc anh luôn giữ được nhiệt huyết và tinh thần, xây dựng ICOM ngày càng phát triển hơn nữa trong tương lai!

 

Quỹ Nhịp nối yêu thương của ICOM và những hoạt động ý nghĩa

Hoạt động thường niên của ICOM mỗi dịp Tết đến xuân về: Gói bánh chưng

Chúc ICOM tuổi mới vững vàng, mạnh mẽ, phát triển rực rỡ!